Home » Văn Học Nghệ Thuật
Bắc Kim Thang- Bài hát Ca ngợi tình bạn thân thiết
Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017
Bởi: Đoàn Thành Trung
Bắc Kim Thang là một trong những bài hát rất quen thuộc đối với tuổi thơ mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Bài hát vui nhộn với ca từ dễ nhớ “Bắc Kim Thang... cà lang bí rợ… cột qua kèo…” thường xuyên được hát lên mỗi khi các em nhỏ vui chơi nô đùa.
Nhưng có một sự thật rằng không nhiều người trong chúng ta hiểu được nội dung và ý nghĩa sâu xa của bài hát này. Vậy bài hát "Bắc Kim Thang" có ý nghĩa gì?
Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi về việc lý giải ý nghĩa của bài đồng dao này, tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng cách lý giải dưới đây hợp lý hơn cả, nên bỏ qua các cách giải thích khác mà chỉ nêu duy nhất cách giải thích bên dưới cho bài hát này.
Theo đó, nhiều người cho rằng Bắc Kim Thang là bài ca có gốc từ một câu chuyện cổ tích cảm động về tình bạn giữa một anh bán dầu và một anh bán ếch.
Một dị bản khác của "Bắc Kim Thang" có tên "Bắt Kim Thang".
Cụ thể, có hai anh chàng là bạn thân sống với nhau trên một cù lao nhỏ ven sông. Một người chuyên đi bắt ếch về đêm, một người chuyên đi bán dầu thắp đèn lúc rạng sáng. Họ sống tách biệt với mọi người và nương tựa vào nhau. Khi mẹ anh bán ếch lâm bệnh qua đời, anh bán dầu không quản ngại chi tiền giúp đỡ anh bán ếch làm ma chay. Tình bạn của họ cứ ngày một thắm thiết hơn.
Đó là lý do vì sao mà hai câu ca đầu tiên trong bài hát lại là “Bắc Kim Thang, cà lang bí rợ/ Cột qua kèo, kèo qua cột”. “Kim thang” ở đây phải hiểu là những chiếc thang hình chữ Kim trong tiếng Hán cổ, nghĩa là thang tam giác cân, giống như cột cho các loại cà, bí leo lên.
Tóm lại, đây là lời hát mô tả tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai nhân vật chính trong truyện này, giống như kèo với cột vậy.
"Kim thang" phải chăng cần được hiểu là những cột thang cân dùng làm nơi cho cà, bí leo?
Những lời hát tiếp theo là nhằm kể lại về biến cố trong cuộc đời của đôi bạn thân. Ngày nọ, anh bán ếch tình cờ phát hiện ra một con bìm bịp và một con le le dính bẫy trên đồng kêu la thảm thiết. Hai con chim thấy anh bán ếch ra sức xin anh cứu giúp và hứa sẽ đền đáp.
Là người nhân từ, anh bán ếch liền giúp đỡ và thả hai con vật tội nghiệp ra. Vài ngày sau, bìm bịp và le le bay tới báo tin cho ân nhân rằng, có hai con ma muốn giết đôi bạn thân để được đầu thai. Cách duy nhất giúp hai người sống sót là không ra ngoài vào lúc sáng sớm trong vòng 7 ngày.
Chim bìm bịp...
... chim le le là các con vật xuất hiện trong bài ca dao độc đáo này.
Anh bán ếch đem chuyện kể với anh bán dầu nhưng anh bán dầu không tin, cho là mê tín. Để cứu bạn, anh bán ếch bèn viện nhiều cớ để hàng ngày chuốc rượu say anh bán dầu, không cho anh đi bán dầu lúc sáng sớm.
Tới ngày thứ 7, anh bán ếch mệt quá nên ngủ quên, anh bán dầu tỉnh dậy lúc sáng sớm, sực nhớ ra đã không đi bán hàng mấy ngày liền. Vậy là anh bán dầu quẩy gánh lên đường.
Đi qua cầu khỉ, do bị ma làm phép trơn trượt nên anh bán dầu đã ngã chết. Sự việc này được diễn tả bởi câu hát “Chú bán dầu, qua cầu mà té”.
Trong truyện cổ tích, anh bán dầu bị té ngã từ cầu khỉ xuống mà chết.
Anh bán ếch tỉnh dậy không thấy bạn đâu nhưng không dám ra ngoài. Hôm sau anh bán ếch ra vớt xác bạn thân làm ma chay, lòng vô cùng đau đớn như trong câu: “Chú bán ếch, ở lại làm chi?”.
Thương cho ân nhân, hai con bìm bịp và le le bay đến, cất tiếng kêu khóc thảm thiết như tiếng kèn trống đám ma “Con le le đánh trống thổi kèn/ Con bìm bịp thổi tò tí te tò te”
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét